• Set VIP cho 50 tài khoản đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ. Chi tiết Tại đây

Ván cược mùa đông của ông Putin ở Ukraine

Administrator

Tổng Đà Chủ
Mùa đông lạnh giá từng giúp Nga đánh bại nhiều đối thủ, nên ông Putin dường như tin rằng đây sẽ là thời điểm chiến dịch ở Ukraine đi đúng hướng.

Tổng thống Vladimir Putin đặt cược rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông năm nay sẽ khiến châu Âu gây sức ép để Ukraine chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn có lợi cho Nga, theo hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin.
"Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể đợi", một nguồn tin cho hay. "Đó sẽ là một mùa đông khó khăn đối với người châu Âu, khi các cuộc biểu tình và bất ổn có thể nổ ra. Một số lãnh đạo châu Âu sẽ phải cân nhắc lại về khả năng tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và hiểu đã đến lúc cần một thỏa thuận".
Nguồn tin thứ hai cho biết Moskva nhận định tinh thần đoàn kết của châu Âu trong ủng hộ Kiev đang lung lay và hy vọng quá trình đó sẽ tăng tốc trong mùa đông khó khăn sắp tới.
"Sẽ thực sự khó khăn nếu cuộc chiến kéo dài sang mùa thu và mùa đông. Vì vậy, có thể hy vọng người Ukraine sẽ yêu cầu đàm phán hòa bình", người này nói.
Điện Kremlin chưa bình luận về những thông tin này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một buổi họp ở St Petersburg hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một buổi họp ở St Petersburg hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Ukraine và các đồng minh phương Tây nói rằng họ sẽ không khuất phục trước Nga, trong khi giới chức Washington nói không thấy dấu hiệu cho thấy nền tảng ủng hộ Kiev bị lung lay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 24/8 chúc mừng quốc khánh Ukraine trên Twitter, khẳng định "EU luôn sát cánh cùng các bạn ngay từ những ngày đầu cuộc chiến và chúng tôi sẽ ở lại tới khi nào cần thiết".
Được hỗ trợ hàng tỷ USD từ Mỹ và phương Tây, cùng các hỗ trợ về huấn luyện và thông tin tình báo, Kiev lạc quan rằng họ có cơ hội thay đổi cục diện chiến trường. "Để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần thay đổi hiện trạng chiến trường có lợi cho lực lượng Ukraine", Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói. "Một yếu tố cần thiết là Nga phải chịu những thất bại đáng kể".

Lực lượng Ukraine đã ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát thủ đô Kiev và thành phố Kharkov, cũng như phá hủy và làm gián đoạn nhiều tuyến tiếp tế của Nga, tuyên bố đánh chìm soái hạm Moskva và gây thiệt hại lớn cho một căn cứ không quân của Nga ở bán đảo Crimea. Kiev từ lâu cũng nói về một cuộc phản công để giành lại khu vực miền nam.
Nhưng qua 6 tháng, xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt, mà ngày càng trở thành một cuộc chiến kéo dài hao người tốn của. Khi mùa đông tới gần, áp lực với châu Âu càng tăng lên, khi Nga cắt giảm 80% nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Để đối phó, châu Âu cố gắng tìm nguồn cung thay thế và đẩy mạnh biện pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, rất ít chuyên gia tin rằng các giải pháp này có thể giải quyết tất cả nhu cầu của họ.
Trong khi đó, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga tiếp tục tăng mạnh, đảm bảo nguồn hỗ trợ tài chính cho chiến dịch quân sự của nước này.
"Điện Kremlin tất nhiên tính đến khả năng chúng tôi có còn quan tâm tới Ukraine hay không, khi Mỹ tập trung cho bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, Anh bầu thủ tướng mới, Đức lo lắng về khí đốt và dòng sông Rhine cạn nước", Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nói.
"Chiến tranh là một bài kiểm tra về hậu cần và cả ý chí. Bài kiểm tra sẽ là phương Tây có ý chí bền bỉ hơn Điện Kremlin hay không? Tôi nghĩ đây sẽ là thách thức", ông nói thêm.
Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công ở Bakhmut, Ukraine, hôm 6/8. Ảnh: AFP.

Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công ở Bakhmut, Ukraine, hôm 6/8. Ảnh: AFP.
Nguồn tin thân cận với giới chức Nga cho hay trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, Moskva đều muốn giành được những lợi ích về lãnh thổ, yêu cầu Kiev công nhận độc lập cho toàn bộ vùng Donbass và cam kết trung lập về quân sự.
Tổng thống Zelensky hôm 23/8 tuyên bố Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nhượng bộ lãnh thổ nào để "xoa dịu" Nga. Trong khi đó, cố vấn Podolyak cho biết phương Tây đang cung cấp cho Kiev đủ vũ khí để "không gục ngã", nhưng chưa đủ để giành chiến thắng. Ông thêm rằng Ukraine cần nhận được sự hỗ trợ lớn hơn nhiều.
Các quốc gia phương Tây đến nay vẫn từ chối đưa quân tham gia xung đột và hạn chế cung cấp một số khí tài quân sự hiện đại như tiêm kích, vì muốn tránh một cuộc chiến lớn hơn với Nga.
Giới chức Mỹ tin rằng ông Putin vẫn theo đuổi mục tiêu ban đầu là kiểm soát Kiev nhưng chưa thành công. Họ cho hay Nga không có dấu hiệu giảm leo thang và cuộc chiến sẽ kéo dài. Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về nhận định này.
Andrey Kortunov, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại RIAC thân cận với Bộ Ngoại giao Nga, cho biết không bên nào có ý định lùi bước trước.
"Cả hai bên đều tin vị thế của họ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Thực tế, rất khó để tin rằng Nga - Ukraine có thể sớm đạt được một thỏa thuận chính trị", ông nói.
Trong một cuộc chiến giằng co, chưa bên nào tới nay đạt được đột phá. Đối mặt với những thiếu hụt về nhân lực, lực lượng Nga chỉ duy trì đà tiến khiêm tốn và gặp nhiều khó khăn trên các mặt trận ở miền đông trong tháng qua, theo tình báo phương Tây.
Konrad Muzyka, nhà phân tích chính trị Ba Lan, nói lực lượng Nga có thể chủ động tiến hành một số mũi tấn công nhỏ ở vùng Donbass, nhưng khó có thể thấy bên nào giành được ưu thế nếu không tăng cường trang thiết bị và nhân lực.
"Ai làm được điều đó sẽ chiến thắng", chuyên gia Muzyka nói.
Neil Melvin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, nhận định tình hình chiến trường từ nay đến mùa đông có thể xác định hướng đi của cuộc chiến.
"Ukraine cần thuyết phục những người ủng hộ ở phương Tây rằng họ có thể chiến thắng trên chiến trường. Nếu có thể làm điều đó trong giai đoạn này, họ có thể đẩy lùi quân Nga và duy trì động lực đó. Đó sẽ là một chiến thắng", Melvin nói.
Nhưng cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ liên minh phương Tây chia rẽ càng lớn, khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao vào mùa đông lạnh giá, gây áp lực lớn trong nước.
"Tất cả các chỉ số kinh tế đều tiêu cực. Sẽ rất khó để khích lệ mọi người đang co ro trong căn nhà của họ chấp nhận những khó khăn nếu không thể thấy Ukraine chiến thắng", Melvin nói, tin rằng áp lực về việc tổ chức một cuộc đàm phán với Nga sẽ ngày càng lớn, gây chia rẽ cả EU và NATO.
Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nói phương Tây vào một thời điểm nào đó có thể phải buộc Ukraine chấp nhận "một số thỏa hiệp khá khó chịu", trừ khi Kiev đạt được một số bước đột phá. Ông cũng cảnh báo rằng Nga có thể leo thang xung đột nếu phải đối mặt thất bại lớn ở Ukraine, thậm chí có thể dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ.
Nga đã nhiều lần bác bỏ quan điểm họ cần sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine. Ông Putin tháng trước nói rằng Moskva thậm chí chưa thật sự bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine và thách thức phương Tây đánh bại nước này trên chiến trường.
Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng. Đồ họa: NY Times.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng. Đồ họa: NY Times.
Nhà bình luận chính trị Samir Puri cho rằng Kiev có nguy cơ buộc phải chấp nhận tình trạng chia cắt khi 1/4 lãnh thổ đang do Nga kiểm soát, trừ khi nước này có thể đảo ngược tình hình.
"Tôi nghĩ rằng Nga có thể khai thác vấn đề này trong dài hạn và sự phân chia lãnh thổ đó là kịch bản dễ xảy ra nhất trong trung hạn", ông nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác tỏ ra lạc quan hơn.
"Tôi nghĩ hệ thống hậu cần của Nga đã kiệt quệ và không thể được cải thiện sớm", Hodges nói. "Nếu phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và Anh, tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì đã cam kết, tôi tin rằng tới cuối năm nay, Kiev có thể đẩy lùi lực lượng Nga về ranh giới trước ngày 24/2, thời điểm chiến sự nổ ra".

Nguồn: vnexpress.net
 
Top